Thế nhưng, trong những trang hồ sơ mật, Hít-le cũng có những mối tình như bao người đàn ông khác. Tuy nhiên, với vị trí lãnh đạo một cường quốc và với cá tính đặc biệt của mình, những mối tình của Hít-le đôi khi lại trở nên quái đản và bệnh hoạn, hệt như những tham vọng điên cuồng muốn làm bá chủ và thống trị thế giới của y.
Mối tình đầu
Cho đến nay, cùng với nhiều tài liệu được giải mật thì có thể khẳng định rằng, Hít-le không được bình thường và rất có thể là không có khả năng trong chuyện quan hệ nam nữ. Thậm chí nghi ngờ về khả năng đồng tính luyến ái đối với Hít-le cũng không bị loại trừ. Ngay từ thời gian ở Viên, thủ đô nước Áo, Hít-le vẫn thường xuyên thư từ đều đặn với một anh chàng có tên Xin-lơ ở Thụy Sĩ sau khi anh này rời khỏi Viên. Mối quan hệ rất thân thiết của Hít-le với thủ lĩnh SA En-nơ Rôm, một kẻ đồng tính luyến ái, từ những ngày đầu thành lập Đảng Quốc xã cũng được nhiều người cho là không bình thường. Tuy vậy, theo hồi kí của Au-gút Ku-bi-dếch, người đã đến Viên cùng với Hít-le và có một thời gian ở cùng y thì “Hít-le vào thời gian này lại không có hứng thú gì với việc đồng tính luyến ái”.
Theo nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hít-le, Bri-ghi-tê Ha-man và dựa theo hồi kí của Au-gút Ku-bi-dếch, mối tình đầu tiên của Hít-le rất có thể đã diễn ra vào quãng thời gian sống chật vật của y tại thành Viên. Sau cái chết của bà mẹ Kla-ra Hít-le vì ung thư vú cuối năm 1907, rồi tiếp đó là 2 lần bị từ chối đơn xin nhập học từ Học viện Nghệ thuật Viên, Hít-le đã quyết định đến Viên khi vừa tròn 20 tuổi. Thời gian đầu, Hít-le vẫn còn được hưởng tiền “Lương mồ côi” (một loại bảo hiểm mà người con được hưởng khi bố mẹ đã chết) nên y vẫn chưa quan tâm lắm đến cuộc sống mưu sinh.
Vốn rất thích nghe hát Opera, đặc biệt là các tác phẩm của Ri-chát Oa-nơ, nên vào thời gian này Hít-le đã có lần ghé thăm nhà hát Opera mang tên Xom-mơ-xô tại Viên. Cũng tại đây, Hít-le đã quen với một cô gái chơi trong dàn nhạc của nhà hát tên là Mác-gốt Hít-chơ, hơn y 4 tuổi. Sau này, ngay cả khi tên tuổi của Hít-le đã dần dần được nhiều người dân Đức biết đến, Mác-gốt Hít-chơ vẫn sống độc thân trong một căn hộ chung cư tại phố Ai-hen-hít-dơ và lặng lẽ qua đời tại đó năm 1922 do hậu quả của một ca nhiễm trùng máu sau một tai nạn.
Ít ai biết rằng, người phụ nữ đó đã có một khoảng thời gian gắn bó khá thân thiết với Hít-le tại Viên. Theo hồi kí của Ku-bi-dếch, Hít-le khi mới đến Viên đã làm quen với cô gái Mác-gốt đang sống độc thân. Hít-le cũng đã từng đi xem Opera với cô mặc dù Mác-gốt đã chán ngấy vì đã thuộc lòng mấy vở Opera đó. Tuy vậy, qua lời kể của Ku-bi-dếch thì lời nói của chàng thanh niên 20 tuổi này có một cái gì đó rất thuyết phục khiến cô gái đành chấp nhận lời mời của hắn.
Vào những buổi tối có ca diễn của Mác-gốt, Hít-le thường đến nhà hát nơi cô kết thúc buổi làm việc, dù đã gần nửa đêm và hỏi xem hôm nay cô chơi cho vở Opera gì. Thỉnh thoảng, Hít-le có khoe với Mác-gốt những bức tranh hắn mới vẽ ngay tại đây. Mác-gốt cũng đã vài lần đến chơi tại căn hộ của Hít-le, nơi hắn và Ku-bi-dếch khi đó vẫn còn ở chung và rất hứng thú mấy bức tranh vẽ tĩnh vật hoa quả của Hít-le. Mác-gốt cũng đã một lần ngồi làm mẫu để Hít-le vẽ.
Sau đó, Hít-le rơi vào tình trạng vô gia cư vì hết tiền trợ cấp. Và những bức tranh Hít-le vẽ để bán chỉ đủ để y có một chỗ ngủ ấm áp qua ngày trên con phố Men-đơ-man dành cho những người vô gia cư. Đó cũng là lúc Hít-le và Ku-bi-dếch dọn ra ở riêng. Trong những vật dụng mà Mác-gốt để lại sau này, người ta tìm thấy một bức thư và mấy bức tranh vẽ phong cảnh của Hít-le. Tất cả đều được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Béc-lin và bị thất lạc sau khi nước Đức thua trận năm 1945.
Cho đến khi tới Mu-ních, Hít-le vẫn viết trong hồi kí:.. “Đã 2 năm rồi, tôi không thể có một người bạn gái nào khác ngoài những cơn đói và khát tại Viên...”.
Mối tình loạn luân
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, những tài liệu mật của Đế chế thứ 3 được Mỹ hé mở. Người ta lại một lần nữa được khẳng định về một mối tình loạn luân của Hít-le với cô cháu của y là An-giê-li-ca Ma-ri-a Rau-ban (thường được gọi thân mật là Ghê-li Rau-ban), con gái của người chị họ có tên An-giê-la Ham-mít-chơ.
Ghê-li Rau-ban sinh ngày 4-6-1908 tại vùng đồng quê Lin-dơ, Áo. Năm Ghê-li 15 tuổi, Hít-le nhận làm người đỡ đầu cho cô. Khi Hít-le lấy khu biệt thự Béc-hốp trên đỉnh Ô-bin-béc ở vùng đông nam Bay-éc, giáp biên giới với Áo, làm nhà nghỉ và nơi gặp gỡ của các VIP trong đảng Quốc xã, theo yêu cầu của Hít-le, Ghê-li và mẹ dọn đến ở thị trấn Béc-tê-ga-đen ngay cạnh đó để tiện làm công việc nội trợ tại Béc-hốp mỗi khi y đến đó.
Những gì được một người bạn của Ghê-li miêu tả về người cháu này chắc hẳn cũng đôi phần đã làm “ông chú” Hít-le phải xiêu lòng: “... Một cô gái vùng Lin-dơ tóc nâu với một vẻ đẹp sắc sảo và rất dễ gần... vẻ thanh lịch đến từ Viên cùng với nụ cười đầy gợi cảm trong đôi mắt nâu màu hạt dẻ... thường xuyên có rất nhiều chàng trai theo đuổi...”.
Tuy vậy, có vẻ như cô cháu gái này khá vụng về nên mỗi khi đến Béc-hốp, Hít-le thường xuyên phải nhắc nhở Ghê-li nên làm những gì. Đúng như mơ ước của cô khi còn ngồi trên ghế nhà trường tại Lin-dơ, vẫn thường khoe với các bạn cùng lớp rằng: “... Chú An-phơ (tên thân mật mà Ghê-li vẫn dùng để gọi Hít-le) của mình sẽ tặng hẳn cho mình một ngôi nhà tại Mu-ních...”, Hít-le đã dành hẳn một căn hộ rộng rãi bên cạnh Quảng trường Prin-rê-gen-ten tại Mu-ních dùng làm nơi y và Ghê-li gặp nhau.
Mỗi khi gặp cô cháu gái này tại Mu-ních, Hít-le thỉnh thoảng lại nổi hứng bằng việc tự lái chiếc Mercedes của mình chở theo cô cháu gái và phóng thật nhanh giữa đêm khuya vào mấy khu rừng thuộc vùng ngoại ô Mu-ních. Trong con mắt của Ghê-li, ông chú Hít-le lại là một chàng trai “nhỏ nhắn” và “đáng yêu”, vẫn thường chăm chú ngồi nghe cô đàn piano trong căn hộ tại Mu-ních.
Sự xuất hiện ngày một thường xuyên hơn của cô cháu Ghê-li với ông chú đầy quyền lực Hít-le tại mỗi cuộc hội họp của đảng Quốc xã thực sự gây sự chú ý của nhiều người. Càng về sau, Hít-le càng muốn kiềm tỏa và bó chặt cuộc sống của Ghê-li. Vào giai đoạn cuối của mối tình loạn luân này, mỗi khi Ghê-li đến Mu-ních, Hít-le đều cho cận vệ giam chặt cô trong căn hộ này. Theo một tài liệu của mật vụ Mỹ năm 1941 được giải mã, thì trong thời gian này, Hít-le đã có những rối loạn sinh lý và hành động rất bệnh hoạn với Ghê-li: “Hít-le mặc nguyên quần áo, nằm xuống sàn rồi để cho cô cháu gái đã cởi hết quần áo ngồi đè lên y. Vào sáng hôm sau, người phục vụ có rất nhiều việc phải làm...”.
Ghê-li cũng đã có lần phải thốt lên với một người bạn gái: “Ông ta là một con quái vật... Cậu sẽ không thể nào tin được những điều mà ông ta muốn mình làm như thế nào đâu...”.
Ngày 18-9-1931, sau một trận cãi vã với Hít-le, Ghê-li đã tự sát bằng chính khẩu súng côn của cô trong căn hộ ngay tại Mu-ních. Hít-le đã thật sự bị sốc sau cái chết của Ghê-li và hắn đã tiết lộ sau này, mối quan hệ giữa hắn và Ghê-li thực sự gặp phải vấn đề lớn về huyết thống và chính điều này đã làm cho mối quan hệ ấy dần dần trở nên đổ vỡ. Căn phòng tại Mu-ních, nơi Ghê-li tự sát, cũng như căn phòng của cô tại Ô-bin-béc, sau cái chết của Ghê-li được Hít-le giữ lại nguyên vẹn. Hít-le cũng không cho ai vào nếu không có lệnh của hắn. Những bức ảnh còn giữ lại của Ghê-li được Hít-le ngầm thú nhận sau này như là những tấm bùa hộ mệnh của y, ngay cả khi y đã ở bên Ê-va Bra-un, tình yêu cuối cùng và được coi là lớn nhất của Hít-le.
Khi nhắc lại về Ghê-li sau này, Hít-le vẫn công nhận với một số viên phụ tá thân cận rằng, hắn “đã thực yêu cô”. Hít-le đã khóc trước bức chân dung Ghê-li do họa sĩ Dích-lơ được lệnh vẽ sau cái chết của cô.
Năm 1985, người ta định khai quật lại mộ của Ghê-li tại Nghĩa trang trung tâm Viên để tìm hiểu nguyên nhân thực sự cái chết của Ghê-li. Tuy nhiên, vì vị trí ngôi mộ của Ghê-li không được xác định rõ ràng nên việc khai quật đã không thể diễn ra. Cho đến nay, nguyên nhân thực sự về cái chết của Ghê-li vẫn chưa được làm sáng tỏ. Một nguyên nhân được đưa ra là: ông chú Hít-le đã ghen với Ghê-li khi cô bắt đầu nảy sinh tình cảm với chính cận vệ của y là Ê-min Mau-rai, một người mà Hít-le đã biết từ lâu có mang dòng máu Do Thái nhưng vẫn rất tôn trọng vì Ê-min đã theo y ngay từ những ngày đầu thành lập đảng Quốc xã. Thậm chí, khi được Hít-le chọn làm cận vệ, Ê-min còn được phong làm “Công dân A-ry-an danh dự”. Ngay sau khi biết chuyện cô cháu gái “khác ý”, Hít-le đã lập tức sa thải Ê-min và cấm Ghê-li không được kết hôn với Ê-min, mặc dù Ghê-li đã hết lời van xin.
Còn có một lí do khác giải thích cho cái chết của Ghê-li. Rất có thể là sự hành xử tình dục bệnh hoạn của Hít-le đã khiến cô trở nên u uất, trầm cảm rồi tự tử. Nhưng nhiều người cũng cho rằng chính Hít-le đã ra lệnh cho Gestapo sát hại Ghê-li vì không muốn cô gây ra một vụ xì-căng-đan làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự nghiệp của Hít-le vốn khi đó đang lên như diều gặp gió.
Theo QĐND