Từ chiều 17-2, cộng đồng mạng xôn xao liên tục lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam sinh thẳng tay tát cô giáo giữa lớp học vì bị cô giáo tịch thu điện thoại.
Cụ thể, đoạn clip ghi lại hình ảnh nam sinh ngồi cuối lớp căng thẳng hô lớn "cô phải trả lại", chửi tục. Sau đó, nam thanh niên đứng dậy bước lên bục giảng mặc bạn bè can ngăn "thôi, thôi". Khi đến bục giảng, nam sinh cầm lấy chiếc điện thoại đang để trên bàn, quay sang tát cô giáo rồi quay lưng đi thẳng về chỗ ngồi. Vụ việc xảy ra chớp nhoáng, cô giáo không kịp phản ứng gì trong khi cả lớp ồ lên ngỡ ngàng.
Nhiều người dự đoán vụ việc xảy ra ở phía Bắc và đã lâu chứ không phải mới đây. Dù vậy, sự hỗn hào của nam sinh khiến nhiều người không thể tin vào mắt mình khi xem đoạn clip. Hầu hết các ý kiến lên án hành vi vô đạo đức và đề nghị nhà trường có hình phạt thích đáng. Thậm chí có người cho rằng cái tát của nam sinh vào mặt cô giáo chẳng khác gì cái tát vào ngành giáo dục.
Theo nội dung clip, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM), cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được, đi ngược lại truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta. Học sinh đang thể hiện cái tôi bằng cách sai lệch đạo đức, cần chấn chỉnh nghiêm khắc.
Còn thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho biết ông không nói nên lời khi xem xong clip. Thầy Bảo cho biết sự thật nếu đúng như những gì trong clip thì cần xử lý nghiêm học sinh có hành vi xúc phạm thân thể, nhân cách giáo viên. Bởi hành động của học sinh này đã vi phạm quy định trường học và gây ảnh hưởng rất lớn đến bản thân cô giáo. Bên cạnh đó, hành vi quay clip và phát tán lên mạng cũng cần xem xét xử lý.
"Uy tín của ngành giáo dục Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi tốc độ lan truyền của mạng xã hội là cực kỳ nhanh, nhiều học sinh xem được sẽ học theo. Tinh thần của cô giáo cũng sẽ bị ảnh hưởng, áp lực tâm lý khi tiếp tục giảng dạy ở lớp này" - thầy Bảo nhận định.
Cô Loan, giáo viên tại quận Tân Phú, cho biết hành động hỗn láo của học sinh này cho thấy sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một số học sinh cá biệt. "Học sinh thể hiện sự côn đồ của mình trong lớp học, cần phải bị kỷ luật nghiêm khắc" - cô Loan nói.
Nam sinh tát cô giáo ngay trên bục giảng. Ảnh cắt từ clip
Trên trang cá nhân của mình, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng có những bình luận về vụ việc. Ông cho rằng việc học sinh ngang nhiên tát cô giáo chỉ vì bị thu giữ điện thoại trong lớp học là sự băng hoại đỉnh điểm về đạo đức xã hội. "Hành vi ấy xâm phạm nghiêm trọng đến khách thể mà Nhà nước cần bảo vệ, đó là mục tiêu giáo dục nhân cách con người có ích cho xã hội và bảo đảm duy trì trật tự xã hội".
Do đó, ông cho rằng không thể lấy quy phạm đạo đức để điều chỉnh sự xuống cấp, băng hoại trong các quan hệ đạo đức, mà phải sử dụng pháp luật để trừng trị mới đủ sức răn đe.
"Tất nhiên, sự hư hỏng của trẻ em không thể thoát ly vai trò, trách nhiệm của người lớn, đặc biệt, tấm gương của các nhóm chủ thể trụ cột, là các vị lãnh đạo, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Tương tự như vậy, cần rà soát lại các hành vi vi phạm khác trong quan hệ đạo đức giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa người lớn tuổi và người trẻ tuổi trong xã hội, giữa thầy và trò trong nhà trường... đã đến mức báo động, phải trừng trị bằng pháp luật, thay vì các quy tắc xử sự bằng đạo đức không hiệu quả.
Nếu lẫn lộn giữa đức trị và pháp trị, thì mục tiêu quản lý xã hội sẽ không đạt được, không thể tránh khỏi sự tha hoá, băng hoại về văn hoá, đạo đức như tình trạng đã và đang xảy ra" – ông Lê Thanh Vân viết.
Theo Ng. Thuận - H.Giang (Người lao động)