Câu hỏi trong phần nghị luận xã hội của đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa) đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí được cho là phản giáo dục.

1 De Van Neu Em Phai O Trong Nuoc Soi Bi Cho La Phan Giao Duc

Đề thi văn vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa) trong kỳ thi tuyển sinh 10 năm học 2021-2022- Ảnh: Đ.K.

Đề thi văn vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gồm có 2 câu. Câu 1 (4 điểm) có nội dung như sau: "Trong cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu-Mannup đã chia sẻ: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu. 

Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên". 

Đề nghị luận xã hội này gây nhiều tranh cãi.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), nhận định đây là một đề thi có nhiều “sạn”: 

"Câu nghị luận xã hội, theo tôi, bản thân trích dẫn này không nên dùng để hỏi. Bởi dù là khoai tây hay là trứng thì cả hai đều bị động trước nước sôi, đều bị nước sôi làm cho biến đổi. Tức là cả trứng và khoai tây đều bị động trước hoàn cảnh. Không thể dùng hình ảnh nào để nói về bản lĩnh nội tại của con người trước hoàn cảnh. Đặc biệt đề yêu cầu “Nếu phải ở trong nước sôi em sẽ chọn làm nước sôi hay trứng?” là một cách hỏi tạo cảm giác ghê sợ, rùng rợn và dễ tạo nên những đàm tiếu không hay trong dư luận".

Trong khi đó, cô Hà Thị Nguyệt, giáo viên văn ở một tỉnh miền Trung, cũng cho rằng đề thi cho một giả định thật phi lý và quá vô nghĩa. 

Cô Nguyệt nói:

"Thường khi ra đề mà dẫn ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ thì rất cân nhắc vì nó không luôn luôn đúng. Nó chỉ đúng khi đặt trong một bối cảnh nhất định, anh lấy nó ra tách biệt trong một đề văn thì sẽ mang ý nghĩa khác. Với nội dung nước sôi là "hoàn cảnh", cứng - mềm là "bản lĩnh nội tại" là sự áp đặt, vì chẳng lẽ nếu khoai cứng, trứng mềm khi để chín là trái với tự nhiên? Giả định đó là chưa phù hợp. Hơn nữa, giả định này phản cảm, không mang tính giáo dục. Nói nước sôi trong văn học, học sinh thường hay nghĩ đến chi tiết độc ác của mẹ con Cám trong "Tấm Cám", hay nói cách khác đề thi không hướng đến tính nhân văn".

Phản ứng và cho rằng đề lộ ngay lỗi về chuyên môn rất cơ bản, thầy Bạch Trọng Nhân, giáo viên văn Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bày tỏ: "Trước tiên, xét về nguyên tắc cơ bản, đề có trích dẫn tựa sách và tác giả, cần phải có thêm năm xuất bản và nhà xuất bản. Về nội dung của câu trích dẫn, tôi tạm chia làm hai phần. Phần thứ nhất là một câu ngạn ngữ của phương Tây, câu này nghe qua thì có phần đúng về mặt hiện tượng, nhưng mục đích cuối cùng dù trứng có cứng thì cũng trở thành thức ăn, cũng giống như khoai tây bị luộc trong nước sôi. Phần thứ hai, là câu của người viết sách “Hoàn cảnh chẳng có lỗi, lỗi quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu”. Tôi thấy câu này khá hay và có vấn đề để các em nghị luận. Nhưng vì phần thứ hai đi sau một câu nói chỉ đúng một phần nên giá trị của nó cũng làm người viết phải đắn đo".

Thầy Nhân còn nhấn mạnh:

"Phần lỗi nặng nhất trong đề là ở câu lệnh “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn là củ khoai tây hay quả trứng?”. Người ra đề đã không nghĩ tới sự rùng rợn, phản cảm của một giả định. Tôi nghĩ rằng người ra đề, người phản biện và duyệt đề cần phải làm việc cẩn thận và nghiêm túc hơn vì đây là một kỳ thi tuyển những em học sinh sẽ vào lớp chuyên của một tỉnh, nếu đề như thế này thì các em có còn tin tưởng vào thầy cô, những người đã và đang sẽ dạy mình hay không?". 

Khánh Hòa nói gì về đề văn?

Giải thích về đề thi này, ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa - nói:

“ Câu nghị luận xã hội, chuyển tải ý là tác động hoàn cảnh, nghịch cảnh đối với con người về bản lĩnh nội tại của con người sẽ thắng được nghịch cảnh đó. Vấn đề này, đặt ra tình huống trong câu ngạn ngữ nhưng chữ “nước sôi”, “khoai tây”, “trứng” không được đặt trong ngoặc kép gây hiểu nhầm cho học sinh.

Đây là sơ suất của người ra đề. Nhưng đối với học sinh thi chuyên giỏi văn, các em học ngạn ngữ và có câu ngạn ngữ ở trên thì sẽ hiểu được ý người ra đề, khoai tây nằm trong nước sôi mềm, trứng cứng...v.v... Cho đến bây giờ mình chưa chấm, chưa biết mức độ làm bài của học sinh như thế nào, nhưng tinh thần học sinh chuyên văn sẽ hiểu được, giải thích được.”

"Phương Tây có câu ngạn ngữ: Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu" (Lu-Mannup). Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".

Theo bạn, đề thi trên có rùng rợn và phản cảm? Có nên ra đề dạng như vậy cho học sinh? 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC