Đã không ít người nghĩ, giá như Liên Xô không sụp đổ thì Việt Nam không phải đợi tới năm 2020 mới thấy cảnh tuyệt vời như thế.
Hồi năm 2015, nghe tin Thủ tướng Medvedev sang Hà Nội và khuyên người Việt sản xuất xe hơi thời Liên Xô, mà chính họ đã cho ra bãi rác, tôi ngạc nhiên vô cùng và có bài viết về chủ đề này, ghi lại vài ý chính cho vui.
Chả hiểu xe Liên Xô được sản xuất thế nào, bán ra sao. Vào trang giá xe ô tô tuyệt nhiên không thấy salon nào quảng cáo xe Liên Xô. Chả lẽ Liên Xô đã chết thật rồi ư.
Theo lời kể của “Bên thắng cuộc”, thời đổi mới những năm sau 1986, TBT Nguyễn Văn Linh vẫn chọn đi Lada bởi do XHCN sản xuất, dù các loại xe tư bản đã tràn vào. Lada không có điều hòa nên các kỹ sư đã lắp thêm cục điều hòa lấy từ xe tư bản second hand. Máy Lada được thiết kế không điều hòa, nay thêm cái cục làm lạnh thành ra quá tải, hỏng hóc liên tục.
Sếp cao nhất dùng đồ Liên Xô, chả lẽ quân dưới dùng hàng tư bản, dù ai cũng biết là bất cập. Có lần ông Đỗ Mười đi Nghệ An công tác, mượn “Lada của anh Linh”, nhưng nó lại nằm lăn ra, không chịu nổ máy. Quân chạy đôn đáo, rồi bảo, bác đi tạm “con Toyota” này.
Hôm đó, xe chạy một lèo 300km từ Hà Nội vào Nghệ An, không nghỉ chút nào, máy êm ru, không sóc, không gầm rú, điều hòa mát rợi. Vào tới nơi, ông Đỗ Mười ngạc nhiên “thằng tư bản làm ô tô cũng tốt nhỉ”. Chẳng hiểu sao sau đó các cấp lãnh đạo chuyển sang ô tô dòng tư bản.
Bây giờ bói cũng không ra một chiếc xe Liên Xô nào ở Hà Nội. Chỉ còn một vài dân Việt yêu nước Nga của thời quá khứ, nay thành đại gia, lôi Lada về tân trang, để trong góc vườn, nghe nhạc Nga, đọc tiểu thuyết Nga, ăn salad Nga, uống vodka Beluga với trứng cá đen… như một kỷ niệm đẹp, dù trong nhà họ chẳng bói đâu ra một thứ Liên Xô thời hiện tại. Con cái gửi sang tư bản cho yên tâm, tài khoản ngân hàng ở Thụy Sỹ, chẳng ai dại gì gửi bên Moscow.
Người Việt từng biết đến Volga, Moskvich, Lada, Zil, GAZ, Kamaz, UAZ, xe mô tô Con thỏ, xe đạp đua, bàn là, phích nóng lạnh nồi đồng cối đá… là những biểu tượng sức mạnh của Liên Xô xây dựng thành công CNCS những năm 1970. Họ mong mỏi, chẳng mấy năm nữa, CNCS sẽ thành công tại xứ Việt xa xôi.
Sang Liên Xô vào thời đó, chẳng ai thống kê hay thăm dò dư luận, xem người dân có tự hào Lada hay Volga như người Việt mê mẩn đồ Made in USSR. Nếu được chọn giữa Lada, Volga hay Mercedes, Volvo, Toyota, dù yêu nước đến mấy “người Nga yêu hàng Russia” dân xứ này sẽ bỏ số tiền gấp chục lần để sở hữu một “con Mẹc”, phó mặc cho CNCS với Volga và Lada đi đâu thì đi.
Liên Xô sụp đổ năm 1991, trong chốn riêng tư nhiều người Việt vẫn tiếc về một siêu cường đã mất. Nỗi niềm bị giằng xé giữa hai dòng thời cuộc. Theo tư bản, sợ mất hết độc lập, tự do.
Theo Nga thực chất là Liên Xô cũ “ăn chắc mặc bền”, nhưng chả lẽ dùng Lada hay Volga, bán chiếc Mec vừa tậu? Gọi con cháu đang học tập bên Mỹ, Anh, Pháp để chuyển sang Nga theo học Lomonosov và hệ tuần hoàn Mendeleev như cha anh đã từng làm.
Thói quen của các đại gia Việt và tư bản đỏ qua thời khốn khó là trên bàn tiệc có chai rượu giá vài ngàn đô la lại thêm món quê mùa như khoai sắn luộc như một thương hiệu người giầu ở đất này “ăn đất ta, yêu nước Nga và tiêu đô la.”
Mấy năm trước có một ông Pháp bỗng xin vào quốc tịch Nga, báo chí thi nhau tung hô xứ bạch dương là điểm hẹn toàn cầu. Nhưng ở Moscow hai năm, bỗng ông trở về Pháp và nói “Ở nước Nga vài năm, tôi mới phát hiện, tôi là người Pháp”.
Hy vọng người Việt đi khắp bốn phương rồi một hôm phát hiện họ chính là người Việt và dân ngồi nhà bớt ca ngợi Nga, nhắc Volga, hoài niệm Lada nhưng tiêu … đô la.
Hiểu Minh 2014 biên tập 2021