Động cơ nào khiến hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo, Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước thực hiện hành vi phạm tội đến mức bị khởi tố?
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 lãnh đạo Tổng Công ty Viễn thông Mobifone gồm các ông Hồ Tuấn, Nguyễn Đăng Nguyên TGĐ Mobifone, Nguyễn Bảo Long, ông Nguyễn Mạnh Hùng đều là Phó TGĐ Mobifone và bà Phan Thị Hoa Mai - Thành viên Hội đồng thành viên Mobifone về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” khiến dư luận tiếp tục quan tâm vụ án trên.
Cả 5 bị can trên đều giữ vai trò đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị liên quan.
Đáng chú ý, liên quan vụ án trên, đến nay đã có 14 bị can bị khởi tố, họ đều là lãnh đạo, cựu lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Bộ Thông tin và truyền thông, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu - AVG.
Dư luận đặt ra câu hỏi, động cơ nào khiến hàng loạt lãnh đạo cựu lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp nhà nước bất chấp các quy định của pháp luật để làm “ảo thuật” tiền ngân sách vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước trong thương vụ mua bán kỷ lục trên.
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, lòng tham và tiền bạc đã khiến họ dính chàm và phải trả giá cho những hành vi phạm tội.
Trụ sở Mobifone.
Đáng chú ý, thời điểm diễn ra thương vụ Mobifone chi ra số tiền 8.890 tỷ đồng để mua lại 95% cổ phần của AVG, “tình trạng sức khỏe” của AVG được đánh giá vô cùng yếu kém khi chỉ có tổng tài sản hơn 3.000 tỷ đồng, số nợ phải trả là hơn 1.200 tỷ đồng, liên tục lỗ lũy kế trong nhiều năm cả nghìn tỷ nhưng vẫn được thổi giá lên đến hơn 16 nghìn tỷ để rồi một doanh nghiệp nhà nước mua lại với giá hơn 8 nghìn tỷ trong sự khép kín thì rõ ràng là có sự bất thường.
Thực tế đã chứng minh, nếu không được phát hiện ngăn chặn kịp thời thì có thể sẽ như Thanh tra Chính phủ cảnh báo khi chỉ ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG.
Ngạc nhiên hơn, sau khi về sở hữu nhà nước, AVG tiếp tục được phù phép biến lỗ thành lãi để che mắt cơ quan thanh, kiểm tra.
Tuy nhiên, thực tế sau đó đã chứng minh, AVG dù về tay của MobiFone “lỗ lại hoàn lỗ” khi một báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) cho thấy, AVG lỗ 73,6 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế AVG đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, thương vụ mua AVG không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm lợi nhuận hoạt động tài chính của chính công ty mẹ Mobifone.
Điều đáng ngạc nhiên, màn kịch “làm xiếc” tiền ngân sách, thổi giá” không đúng thực tế trong thương vụ trên không chỉ dễ dàng lọt qua cửa hàng loạt bộ ngành trong công tác thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án, thậm chí họ còn tiếp tay giúp sức để thương vụ trên diễn ra thành công.
Cụ thể, sau khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT&TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG.
Thậm chí, ông Nguyễn Bắc Son còn “bút phê” cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khi đó, lạm quyền ký luôn quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng.
Đến nay, dù thương vụ mua bán AVG đã bị hủy, các bên cùng nhau hủy hợp đồng, trả lại tiền cho nhà nước nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn dẫn đến những thiệt hại không thể đo đếm được.
Bởi thương vụ trên không chỉ làm Mobifone bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các khoản lỗ của AVG mà còn làm chậm tiến độ cổ phần hóa Mobifone mà còn làm giảm lợi nhuận hợp nhất của MobiFone, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính trong giai đoạn đang tiến hành thực hiện cổ phần hóa; dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.
Ngoài ra còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin của người dân khi hàng loạt cán bộ, lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước bị khởi tố, nhúng chàm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cán bộ công chức.
Tuy nhiên vụ việc trên cũng để lại nhiều bài học lớn như lời đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) từng nói, thương vụ này là một điển hình cho xung đột về lợi ích của cơ chế bộ ngành vừa làm quản lý vừa làm chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ thiệt hại cho Nhà nước trên 7 nghìn tỷ đồng đã là nhãn tiền.
Đến nay, trong số 14 bị can bị khởi tố, đa số bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng có bị can bị khởi tố thêm tội nhận hối lộ như ông Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, quê Hà Nội), Trương Minh Tuấn (đều là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Lê Nam Trà, ông Cao Duy Hải (nguyên là lãnh đạo Mobifone)...
đã phần nào hé lộ động cơ dẫn đến những hành vi sai trái đến mức bị khởi tố, bắt giam.
Điều đó cho thấy, cái giá của lòng tham thường rất đắt nhưng không hiểu lý do vì sao người ta vẫn như con thiêu thân lao vào để rồi phải nhận kết cục mặn đắng.