Nếu người đi làm từ thiện luôn nghĩ rằng “nhờ mình mà bao nhiêu người được cứu vớt”, thì “bóng tối” đã xuất hiện ngay trong tâm họ.

Của người phúc ta

Chúng ta vẫn làm rất nhiều việc thiện, nhưng không phải ai cũng hiểu đến tận cùng bản chất của từ thiện.

TỪ là nhân từ, từ tâm - có lòng thương yêu người. THIỆN là việc làm tốt lành. Như vậy TỪ THIỆN chính là làm những việc tốt từ lòng yêu thương con người.

Có những người, những công ty, mục đích chính khi đi giúp người không phải là làm việc tốt giúp người, mà để gia tăng thương hiệu, uy tín của chính mình, thì đó chưa gọi là từ thiện chuẩn. Trước hết đó là giúp mình. Hay nói đúng hơn, thông qua hành động giúp người để giúp chính mình.

Mục đích này không xấu, và họ có quyền làm điều đó, nhưng thực chất đó là hoạt động làm thương hiệu, marketing, truyền thông, CSR. Từ thiện chuẩn thường âm thầm, vô danh vô lợi: Cho đi mà không mong nhận lại bất cứ điều gì, kể cả mong có phước…

Khi đi từ thiện với mong muốn được tích phước, họ đã mắc vào tâm tham vi tế mà không biết.

Những người như nghệ sĩ Hoài Linh, khi nhận được những khoản tiền đóng góp khổng lồ từ công chúng, nếu là người làm từ thiện chuẩn, thì việc đầu tiên các nghệ sĩ nghĩ đến chính là lòng biết ơn.

Các nghệ sĩ ấy cần biết ơn những ai?

Đầu tiên cần biết ơn bao nhiêu người đã tin tưởng mình, đã chọn mặt gửi vàng, đã quyết đoán dứt ra một phần thu nhập để sinh nhai của mình, để chia sẻ với những mảnh đời khốn khó.

Không phải người nổi tiếng nào cũng "tỉnh ngộ" được rằng: Những khoản tiền đổ vào tài khoản của mình, không phải là tiền của họ, mà chỉ là khoản tiền hàng ngàn người khác NHỜ MÌNH chuyển đến những người đang cần cứu giúp. Mình chỉ là CẦU NỐI đôi bờ chia sẻ, yêu thương.

Nếu không thực hiện tốt được việc mà công chúng NHỜ này, thì đừng kêu gọi, đừng nhận tiền! Không ai trách ai cả! Còn đã gánh trách nhiệm, phải tận tâm, tận lực hoàn thành!

Điều biết ơn thứ hai, sâu xa hơn, đó là biết ơn cả cộng đồng, biết ơn truyền thống đất nước, vì đã lưu giữ được những điều sâu thẳm nhất của nghĩa đồng bào, tình đất nước, bầu bí một giàn, lá lành đùm lá rách.

1 Muon Lam Tu Thien Chuan Thi Dung Vo On

Thử hỏi: Ở một cộng đồng vô cảm, làm sao quy tụ được một khoản tiền khổng lồ như vậy trong một thời gian rất ngắn?

Điều biết ơn thứ ba, sâu thẳm hơn nữa, chính là biết ơn nhân duyên hội tụ, đã tạo cơ hội tuyệt vời cho mình để gom góp được phước đức giữa cuộc đời có rất nhiều cạm bẫy khiến ý nghĩ, việc làm, lời nói đều có thể gây tổn phước.

Điều biết ơn thứ tư cũng thế, không phải ai cũng nhận ra: Nếu cuộc đời không có những người khốn khó, thì sao ta có cơ hội để làm từ thiện? Chính vì thấu hiểu điều này, một số người đi làm từ thiện chuẩn mực đã nói với người nhận từ thiện rằng: "Chúng tôi xin cảm ơn bà con. Nhờ có bà con, chúng tôi biết rằng mình vẫn còn có ích trong cuộc đời".

Nếu thiếu lòng biết ơn và quên rằng mình chỉ là CẦU NỐI, thì người nổi tiếng sẽ rất dễ nghĩ rằng: Nhờ có quyền lực của ta, mà bao nhiêu người được ta cứu giúp. Chính luồng tư duy lệch lạc này, đã khiến họ hành xử như những người đi ban phát, bố thí mưa móc.

Nếu tất cả số tiền đó là của người nổi tiếng, việc ban phát đã là không chuẩn, vì của cho không bằng cách cho. Huống hồ, đây là tiền là của biết bao người khác nhờ chuyển, thì việc ban phát ấy, chính là cách hành xử "của người phúc ta" rất đáng lên án.

Cũng vì nghĩ rằng có khoản tiền đó là công của ta và người gửi tiền cũng như người nhận tiền đều phải nhờ đến ta, biết ơn ta, nên ta làm từ thiện lúc nào thì làm, cho ai thì cho. Công chúng cũng đừng có ép ta phải giải trình hoặc công khai, minh bạch, ta nhiều việc phải làm lắm.

Vì vậy, lẽ đương nhiên, công chúng và những nhà hảo tâm cần biết ơn người nổi tiếng - những chiếc CẦU NỐI. Nhưng nếu người nổi tiếng không có lòng biết ơn ngược lại, thì chắc chắn họ đóng nhầm vai từ thiện và công chúng cũng chọn nhầm người.

Nhờ có lòng biết ơn và thấm đẫm tinh thần Phật tử, nên ca sĩ Thủy Tiên không chỉ dũng cảm vượt qua rất nhiều nguy hiểm về tính mạng để đến với đồng bào miền Trung, mà vợ chồng chị còn hào sảng rút tiền tỉ của riêng mình, góp sức cùng hàng ngàn tấm lòng vàng khác.

Làm phúc phải tội

Có rất nhiều ví dụ dễ hiểu của việc "làm phúc phải tội". Khi thấy một người ngã xuống sông, một người có lòng từ bi nhưng thiếu trí tuệ, sẽ nhanh chóng nhảy xuống cứu. Kết quả chết cả hai. Vì sao vậy?

Tâm cứu người đương nhiên rất tốt, nhưng người cứu lại không biết phương pháp, cuối cùng giết cả mình và người.

Thứ nhất, khi người chết đuối còn khỏe, vùng vẫy mạnh, thì không nên cứu ngay, vì bản năng sinh tồn "chết đuối vớ phải cọc" sẽ khiến họ khóa chặt người cứu, dìu cả hai xuống âm tuyền.

Thứ hai, vì muốn cứu giúp, người cứu không kịp cân nhắc rằng: Mình có đủ sức khỏe, có bơi giỏi không? Có còn cách nào tốt hơn nhảy xuống nước cứu không? (ví dụ tìm một cái phao, một cái gậy dài cho người ta nắm).

Câu chuyện "đau bụng uống nhân sâm" cũng vậy. Sâm là vật quý nhất trong nhà, đem ra giúp người sai cách, thì sâm mất và người cũng chết. Đó chính là "làm phúc phải tội".

Làm từ thiện, chính là một hành động bố thí trong nhà Phật. Làm từ thiện chuẩn, chính là "tu phúc". Khi nói đến tu, tức là việc không dễ dàng mà đạt được, phải rất cẩn trọng, công phu, trí tuệ và trong sạch.

2 Muon Lam Tu Thien Chuan Thi Dung Vo On

Ca sĩ Thủy Tiên trong đợt đi cứu trợ miền Trung năm 2020. Ảnh: facebook

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Chương 5 Pháp, Đức Phật dạy có năm loại bố thí chuẩn mực của những bậc chân nhân:

Bố thí có lòng tin

Bố thí có kính trọng

Bố thí đúng thời

Bố thí với tâm không gượng ép

Bố thí không làm thương tổn mình và người.

Và Ngài cũng dạy về năm loại bố thí khác là:

Bố thí có lòng cung kính

Bố thí có suy nghĩ

Bố thí tự tay mình

Bố thí đồ không quăng bỏ

Bố thí có suy nghĩ đến tương lai.

Chỉ cần quy chiếu và hành xử đúng với những lời dạy từ hơn 2.500 năm trước của bậc giác ngộ này, chúng ta đã có thể làm từ thiện chuẩn: Suy nghĩ chín chắn, tự tay làm, suy nghĩ đến tương lai, cực kỳ yêu thương, cực kỳ kính trọng và không làm thương tổn đến bất cứ ai, cả người gửi tiền lẫn người nhận tiền.

Khi một người làm từ thiện đi ngược lại những điều này, thì dĩ nhiên, công đức và phước báu chả tích được một chút nào, còn tạo ra bao nhiêu ác nghiệp, nhân quả xấu. Cha ông ta gọi đó là "làm phúc phải tội". Rất nhiều người đi làm từ thiện liên miên, nhưng cuộc đời vẫn không suôn sẻ, có một phần nguyên nhân từ "làm phúc phải tội".

Trên thế gian, thứ vừa đáng sợ nhất vừa không đáng sợ nhất, chính là nhân quả báo ứng.

Tại sao lại không đáng sợ? Vì ít ai thấy được nhân quả báo ứng nhãn tiền. Không thấy nên không biết sợ.

Tại sao đáng sợ? Những người tin nhân quả đều hiểu rằng, nhân quả là quy luật vũ trụ, gieo gì gặt nấy, có gieo chắc chắn phải gặt. Một việc làm xấu có thể trốn tránh được pháp luật, nhưng không thể tránh được nhân quả.

Chúng ta đi đâu, làm gì, địa vị ra sao, giàu có thế nào, bao biện, lẩn tránh ra sao, thậm chí kiếp sống này thoát lọt, thì cuối cùng cũng không thể tránh được lưới trời nhân quả.

Mong rằng tất cả những người muốn làm việc thiện, luôn nhớ 4 câu thơ này, để biết mình là ai, biết mình phải làm gì để không làm phúc phải tội:

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

(Nguyễn Du)

…………………………………

Phúc kia không thấy mà còn

Tài tuy thấy đó mà mòn hơn cưa.

Theo Tổ Quốc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC